Kháng sinh có thể là nguyên nhân gây ung thư ruột
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Đường ruột (Gut), dùng kháng sinh lâu dài trong thời gian trưởng thành có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư ruột. Nghiên cứu này một lần nữa nhấn mạnh vai trò sống còn của hệ vi sinh vật đường ruột đối với con người.
Năm 2017, có khoảng 95,520 ca ung thư đại tràng và 39,910 ca ung thư trực tràng mới tại Mỹ.
Những yếu tố nguy cơ gây ung thư ruột bao gồm: ít vận động, ăn ít hoa quả và rau xanh, thừa cân hoặc béo phì, uống rượu. Đặc biệt, theo một nghiên cứu gần đây, việc sử dụng kháng sinh lâu dài cũng có thể là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư ruột.
Mối liên hệ giữa kháng sinh và nhiều tình trạng bệnh đã được nhắc đến những năm gần đây. Các bệnh này bao gồm: bệnh ruột kích thích, bệnh Celiac (không dung nạp gluten) và béo phì.
Kháng sinh không chỉ tiêu diệt và ngăn chặn vi khuẩn có hại, mà còn có ảnh hưởng lên hệ vi sinh vật đường ruột. Khi sử dụng kháng sinh, số lượng và các chủng vi khuẩn trong ruột sẽ bị thay đổi, và điều này có thể dẫn tới những quá trình chuyển hóa hoặc bệnh lý bên trong cơ thể.
Kháng sinh và bệnh ung thư ruột
Việc sử dụng kháng sinh có thể liên quan tới ung thư đường ruột đã được đề cập tới trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ đánh giá trên việc sử dụng kháng sinh ngắn ngày.
Do vậy, một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu cụ thể hơn về mối quan hệ giữa việc sử dụng kháng sinh dài ngày và nguy cơ ung thư ruột. Họ sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe của Y tá, một dự án quản lý 121,799 y tá tại Hoa Kỳ kể từ năm 1976. Các đối tượng là phụ nữ trong tầm tuổi từ 30 tới 55.
Cứ 2 năm một lần, các tình nguyện viên sẽ điền bảng câu hỏi về thông tin nhân khẩu chung, lối sống (hút thuốc lá, tập thể dục,…), bệnh sử và sự phát triển của bệnh. Cứ 4 năm một lần, họ sẽ hoàn thành một bảng câu hỏi về chế độ dinh dưỡng.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học dùng dữ liệu từ 16,642 phụ nữ từ 60 tuổi trở lên vào năm 2004. Nhóm phụ nữ này có thể cung cấp thông tin về việc sử dụng kháng sinh từ khi họ 20 tới 59 tuổi và cũng từng được nội soi ruột từ năm 2004 tới 2010.
Xuyên suốt quá trình điều tra, 1,195 ca u tế bào tuyến đã được chẩn đoán. U tế bào tuyến, hay còn gọi là bệnh polyp, là những khối u lành thường xuất hiện trước phần lớn ca ung thư ruột.
Kháng sinh tăng nguy cơ u tế bào tuyến
Ngay khi phân tích dữ liệu, nhóm tác giả đã nhận thấy rằng kháng sinh sử dụng trong vòng 4 năm gần nhất không liên quan tới bệnh ung thư ruột, nhưng kháng sinh sử dụng lâu dài trong quá khứ lại liên quan. Những người đã dùng kháng sinh trong vòng 2 tháng trở lên khi họ tầm 20, 30 tuổi có khả năng bị u tế bào tuyến nhiều hơn 36% so với những người không dùng kháng sinh dài ngày.
Mối quan hệ này vẫn rất rõ rệt bất kể u tế bào tuyến có nguy cơ cao hay thấp dẫn tới ung thư ruột. Mặc dù vậy, kết quả cho thấy người dùng kháng sinh dài ngày có nguy cơ u tuyến ở đại tràng gần nhiều hơn hơn u tuyến ở đại tràng xa.
Đại tràng gần là phần đầu tiên của đại tràng, liền sau ruột non, gồm manh tràng, đại tràng lên, đại tràng góc gan, đại tràng ngang và đại tràng góc lách. Đại tràng xa là phần nối với trực tràng, gồm đại tràng xuống và đại tràng sigma.
Dữ liệu cho thấy rằng những phụ nữ đã từng dùng kháng sinh trong tối thiểu 2 tháng liên tiếp khi họ tầm 40, 50 tuổi có nguy cơ bị u tuyến cao hơn 69% so với những người không dùng kháng sinh dài ngày trong giai đoạn này.
Một lần nữa, mối liên hệ này vẫn rõ rệt bất kể u tuyến có nguy cơ dẫn tới ung thư cao hay thấp, và rõ rệt hơn ở đại tràng gần.
Tương tự, những phụ nữ không dùng kháng sinh từ 20 tới 50 tuổi giảm 73% nguy cơ bị u tuyến so với những người đã dùng kháng sinh trên 15 ngày liên tiếp.
Mặc dù nghiên cứu này được thực hiện trên quy mô lớn nhưng vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất, nghiên cứu chỉ là quan sát nên rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn về quan hệ nhân quả giữa dùng kháng sinh dài ngày và nguy cơ ung thư ruột. Thứ hai, một vài ca u tuyến có thể xuất hiện trước khi người bệnh dùng kháng sinh. Thứ ba, bản thân loại vi khuẩn phát triển tốt sau khi dùng kháng sinh cũng thường gây ra viêm ruột, và cũng là một yếu tố nguy cơ gây ung thư ruột.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm, có một giải thích sinh lý phù hợp cho mối liên hệ giữa kháng sinh và ung thư ruột: kháng sinh rõ ràng sẽ tiêu diệt các chủng vi khuẩn và thay đổi toàn bộ cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này liên hệ tới kết quả của một nghiên cứu trước đó: các bệnh nhân ung thư ruột bị suy giảm và tăng lên một số chủng vi khuẩn nhất định trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Nhóm tác giả kết luận: “Nếu được tái khẳng định trong các nghiên cứu khác, những phát hiện này sẽ đặt ra vấn đề giới hạn sử dụng kháng sinh và đánh giá được các nguồn gây viêm có thể dẫn tới hình thành khối u.”
Việc sử dụng kháng sinh tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới đang gia tăng nhanh hiện nay. Do vậy, nghiên cứu này lại càng trở nên quan trọng hơn. Những hệ lụy của việc sử dụng kháng sinh rất cần được chứng minh cụ thể trong tương lai.
Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com/articles/316734.php?sr
Georgerat
EugeneJar
Marvingox
Robertlit
FrankZebra
Marvinres
Josephkit