“ Ruột ơi là ruột – bí mật của một thế giới bị lãng quên”

Bài nói chuyện về  cuốn sách “ Ruột ơi là ruột – bí mật của một thế giới bị lãng quên” của tác giả Julia Enders tại Café Trung Nguyên 3 Ngô Quyền HN ngày 13/1/2018.


I. Phần mở đầu .
     Thưa các Anh, chị và các bạn có mặt tại Café Trung Nguyên hôm nay
Gần đây có một cuốn sách với tên gọi khá thú vị “ Ruột ơi là ruột – bí mật của một thế giới bị lãng quên” của tác giả Julia Enders – một bác sĩ người Đức xinh đẹp và tài năng sinh năm 1990 đang thu hút sự quan tâm ngày một gia tăng của độc giả trên toàn thế giới. 


Cuốn sách này có ích vì nó trình bày một cách hài hước, dễ hiểu một bộ phận tối quan trọng của cơ thể nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức, ít ra là đối với những người bình thường không được đào tạo qua trường lớp y khoa.
Cũng từ vị thế của một độc giả như vậy, ngày hôm nay với mong muốn được chia sẻ với những ai cùng hoàn cảnh như mình ( tức là không phải chuyên gia y tế , sinh –hóa , di truyền …) tôi xin mạo muội được liệt kê những nội dung thú vị của cuốn sách – hay chính xác hơn là những “ điều ngạc nhiên” của tôi sau khi đọc cuốn sách này và nếu may mắn gặp các chuyên gia y tế có mặt ở đây chỉ giáo cho thì buổi gặp mặt hôm nay được coi là rất thành công.
1/. Điều ngạc nhiên thứ nhất  
    Tư thế đại tiện ngồi xổm mới là tư thế tốt nhất cho sức khỏe 


   Ở tư thế này phân được tống hết ra ngoài tạo cảm giác thực sự nhẹ nhõm, thoải mái. Thời gian trung bình đi ngoài là 50 giây trong khi ngồi bệt là 130 giây và không có cảm giác hoàn toàn thoải mái. Lý do là khi đứng và ngồi thẳng sẽ hình thành chỗ gập ở trực tràng . Đây là cơ chế tự hãm cùng với hệ thống 2 cơ thắt giúp điều tiết quá trình tống phân ra khỏi cơ thể. 
Thế mới biết các Cụ nói không sai “ thứ nhất Quận Công , thứ nhì ỉa đồng “.
2/. Điều ngạc nhiên thứ hai
Nước bọt về cơ bản là máu đã được lọc , nó được tiết ra ở cổng vào của ruột gồm lưỡi, họng , amidan – nơi đây là “ đồn biên phòng tiền tiêu” gồm các mô miễn dịch mà khoa học gọi là vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm cả amidan và VA. Trước 7 tuổi khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì không nên cắt amidan bởi vì chính amidan là một trại huấn luyện quan trọng cho các tế bào miễn dịch.
3/. Điều ngạc nhiên thứ ba
Ruột thừa thực ra là một phần của mô miễn dịch amidan ( mặc dù ở cách xa nhau). Đoạn ruột thừa khỏe mạnh giống như một nhà kho dự trữ toàn những vi khuẩn tốt và có ích nhất. Do vậy với những ai buộc phải cắt bỏ ruột thừa mà không muốn bị rủi ro thì nên sử dụng các chế phẩm lợi khuẩn – probiotic để cung cấp vi khuẩn có ích cho đường ruột ( vấn đề này xin được đề cập kỹ hơn ở phần sau ).
4/. Điều ngạc nhiên thứ tư
  Đường ruột chính là “ bộ não thứ 2” của cơ thể, biết tự suy nghĩ.
  Tuy giữa ruột và não có mối liên hệ khăng khít nhưng so với các bộ phận khác như tim, phổi thì ruột hoạt động khá độc lập. Bằng chứng là đường ruột vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi tủy sống bị tổn thương , liệt tứ chi. Với người bình thường khi rơi vào trạng thái chết não , tim , phổi sẽ ngưng nhưng chỉ cần có lưu thông máu thì đường ruột vẫn hoạt động.Gần đây người ta phát hiện ra rằng 95% chất Seretonin ( còn gọi là hoocmon hạnh phúc) là chất dẫn truyền thần kinh tồn tại trong não được tạo ra trong đường ruột.

TS y khoa Michael Gerchon người phát hiện ra điều này đã nói :” Trong hộp sọ và trong đường ruột chúng ta đã phát triển 2 bộ não mang những tình cảm riêng biệt “.
Ruột có một hệ thống dây thần kinh và diện tích bề mặt khổng lồ . Điều đó làm cho nó trở thành cơ quan cảm giác lớn nhất cơ thể. Gần đây các nhà khoa học cho rằng nếu Ý THỨC là do não quyết định thì ruột với tư cách là bộ cảm biến lớn nhất ghi nhận lại mọi cảm nhận về thế giới bên trong cơ thể lại chi phối TIỀM THỨC của chúng ta.
Như vậy đã đến lúc phải mở rộng mệnh đề của René Decart “ Tôi tư duy nên tôi tồn tại” thành “ Tôi cảm nhận,rồi tôi tư duy nên tôi tồn tại”.
Chính vì ruột sở hữu nguồn tài nguyên về thần kinh lớn như vậy nên khi não chịu áp lực căng thẳng theo lẽ tự nhiên , nó sẽ huy động năng lượng từ hệ thần kinh của ruột.
Trong dân gian từ lâu vẫn có câu “ lo lắng bồn chồn trong dạ” hay “ sợ bĩnh ra quần”…
Nếu sự căng thẳng của não kéo dài khiến ruột liên tục phải nhường năng lượng cho não thì cuối cùng sức khỏe của nó sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể là thành ruột sẽ bị suy yếu do lưu lượng máu giảm, lớp màng nhầy bảo vệ bị mỏng đi, các tế bào miễn dịch cư trú nơi thành ruột bắt đầu tiết ra một lượng lớn các chất báo động. Kết quả thường thấy là môi trường vi sinh trong ruột thay đổi cho phép nhiều loại vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh hơn và lan tràn khắp ruột.
5/. Điều ngạc nhiên thứ năm
    Giống như việc con người chiếm lĩnh hành tinh Trái đất, cơ thể mỗi chúng ta lại bị một quần thể còn đông gấp nhiều lần chiếm đóng – đó là các vi khuẩn . Công việc xây dựng bản đồ vi khuẩn ở người chỉ mới bắt đầu vào năm 2007 đã cho thấy 99% số lượng vi khuẩn nằm ở ruột , có lẽ vì đây là nơi cung cấp thức ăn dồi dào nhất cho chúng.


Hệ vi khuẩn đường ruột chúng ta cân nặng khoảng 2 kg và chứa tổng cộng 100 ngàn tỷ vi khuẩn. Số lượng vi khuẩn trong 1 gr phân còn nhiều hơn số người trên Trái đất. Đường tiêu hóa của chúng ta là nơi cư ngụ của hơn 1000 loại khuẩn khác nhau, các loại virus, nấm , sinh vật đơn bào và ký sinh trùng.


Các nhà khoa học tạm chia vi khuẩn đường ruột thành các loại :

1/. Có ích cho cơ thể -

2/. Có hại , gây bệnh

3/. Loại cơ hội 
Cộng đồng vi khuẩn có ích – các probiotics giúp chúng ta phân hủy thức ăn khó tiêu,cung cấp năng lượng cho ruột, sản xuất ra các vitamin, enzymes, chất kháng sinh , phân hủy độc tố và thuốc, huấn luyện hệ miễn dịch của cơ thể. Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng lên quá trình chuyển hóa chung của cơ thể. Ví dụ như một số loài khuẩn là thủ phạm gây ra chứng béo phì , suy dinh dưỡng, trầm cảm và rối loạn đường tiêu hóa mãn tính. Một số người ruột chứa loại vi khuẩn tiết ra nhiều Dopamin lại có xu hướng tăng động và mạnh mẽ. Những người có các dây thần kinh khỏe hơn so với người khác bởi vì trong ruột họ có nhiều vi khuẩn có thể sản xuất ra vitamin B. Như vậy phải chăng thành phần vi khuẩn đường ruột có ít nhiều ảnh hưởng lên TÍNH CÁCH hay BẢN NGÃ của con người ? đây là một câu hỏi mà khoa học cần trả lời. 
Trên thực tế môi trường vi khuẩn của mỗi người đều khác nhau cũng như vân tay vậy và câu nói “ cha mẹ sinh con , Trời sinh tính “  không phải không có lý.
Ngành khoa học nghiên cứu về vi khuẩn bên trong cơ thể người hãy còn rất non trẻ . Vì chưa biết nhiều nên các nhà khoa học tạm thời phân loại chúng vào một ngành thực vật. bởi thế mới có thuật ngữ “ gut flora “ tuy không chính xác về nội dung nhưng lại khá sát về hình thức đa sắc màu các loại cây cỏ, hoa, lá trong một khu rừng tương tự như các loại vi khuẩn khác nhau cả lợi lẫn hại cùng nấm chung sống trong đường ruột. Chính xác ra phải dùng thuật ngữ “ microbiome” để chỉ quần thể vi sinh vật trên cơ thể chúng ta cùng toàn bộ hệ gien của chúng.
6/. Điều ngạc nhiên thứ sáu
     Làm thế nào để quần thể vi khuẩn đông đúc “né” được sự tiễu phạt của hệ miễn dịch của cơ thể ? 
Thực tế hàng triệu năm tiến hóa của động vật và con người đã hình thành nên một sự sắp xếp tuyệt hảo : hơn 80% hệ miễn dịch của chúng ta nằm ở ruột. Trong khi đó các vi khuẩn được giữ trong một khu vực có rào chắn – đó là màng nhầy của ruột nhằm ngăn chặn không cho chúng đến quá gần các tế bào thành ruột. Như vậy các tế bào miễn dịch có thể “ làm quen” với nhiều chủng vi khuẩn mà chúng chưa được biết. Chính ruột là trung tâm huấn luyện các tế bào miễn dịch trước khi chúng được phép đi vào máu. Với 99% số lượng vi khuẩn tập trung ở ruột nên sau này vào một lúc nào đó và ở một nơi nào đó trong cơ thể , một tế bào miễn dịch chạm trán với một con vi khuẩn quen thuộc ,nó sẽ phản ứng nhanh chóng hơn rất nhiều.
7/. Cuối cùng, sau một loạt các “ ngạc nhiên” tôi xin chia sẻ cùng các Anh,Chị và các bạn một điều đang ngày một trở nên “ hiển nhiên”. Đó là các loại vi khuẩn gây bệnh ngày càng trở nên bất trị vì chúng kháng lại hầu hết các thuốc kháng sinh . Trong số 12 loại vi khuẩn mà tổ chức WHO công bố là đã nhờn với kháng sinh thế hệ 3 và 4 thì ở VN đã có mặt tới hơn nửa. Đó là lý do có những trường hợp tử vong của 4 cháu bé sơ sinh ở Bắc Ninh gần đây hay nhiều “ ca” viêm phổi ác tính , sốt không rõ nguyên nhân , HIV , lao siêu kháng thuốc v.v…Nguyên nhân thì đã rõ – đó là vì vi khuẩn có khả năng thiên nhiên ban cho là tự biến hóa , thích ứng , là vì con người lạm dụng kháng sinh và tự đầu độc môi trường sống.
Bản thân con người và hệ động, thực vật đã hình thành sau hàng triệu năm tiến hóa. Trong quá trình lâu dài đó sự chung sống giữa các lợi khuẩn, khuẩn gây bệnh, virus, nấm , ký sinh trùng là một thực tế khách quan và cơ thể khỏe mạnh chỉ  khi có được sự cân bằng giữa các nhân tố đó. Nỗ lực tạo ra lối sống “ tiệt khuẩn” , xa cách với Thiên nhiên vốn là cái nôi của loài người sẽ làm cho hệ miễn dịch bị ngủ quên và yếu dần đi. Cách sống tốt nhất là bảo đảm sự cân bằng lành mạnh mà quá trình tiến hóa hàng triệu năm đã tạo ra giữa đa dạng các chủng loại vi khuẩn trong đường ruột nhưng lợi khuẩn vẫn nắm thế chủ đạo. ( ở đây lối hành xử “ ở bẩn sống lâu” cũng có cái minh triết của nó !!! ).
Chỉ nên dùng kháng sinh trong những trường hợp không thể không dùng và nên chuyển hướng sang sử dụng các probiotics – lợi khuẩn và prebiotics – các thực phẩm có tác dụng nuôi dưỡng lợi khuẩn ví dụ như các loại rau ,củ , quả..


Một xu hướng đầy tiềm năng trong việc khắc phục tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh là chủ động phân lập các lợi khuẩn có sẵn trong tự nhiên, ứng dụng công nghệ gien để tạo ra những dòng lợi khuẩn mới mang những đặc tính chữa bệnh hiệu quả. Chẳng hạn như các nhà khoa học Nga từ những năm 90 thế kỷ trước khi còn Chiến tranh lạnh đã bí mật sản xuất ra chế phẩm sinh học  VETOM trên cơ sở cải tạo gien của chủng vi khuẩn Bacillus subtilis khiến chủng vi khuẩn này khi vào cơ thể có thể sản xuất ra Interferon alpha-2 tương tự như bạch cầu nội sinh giúp ngăn chặn , khống chế vi rus, vi khuẩn gây bệnh và cả tế bào lạ xâm nhập cơ thể một cách nhanh chóng ( thông thường để hệ miễn dịch khởi động để đối phó với vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể trung bình phải mất 2-3 ngày. Thời gian đó các yếu tố gây bệnh đã kịp xâm chiếm các cơ quan trong cơ thể ).
Với chế phẩm VETOM chúng ta sẽ không còn quá lệ thuộc vào kháng sinh như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn các Anh , chị và các bạn đã dành thời gian đến dự cuộc tọa đàm hôm nay.
Năm mới 2018 xin kính tặng các Anh, chị và các bạn một câu thần chú “ SỨC KHỎE TỪ RUỘT MÀ RA  ! “

Phạm Gia Minh

Viết bình luận